Hiện nay, tâm lý trị liệu được coi là phương pháp hàng đầu trong điều trị trầm cảm. Dựa vào mức độ bệnh mà chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất dành cho bạn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người vẫn hoài nghi về mức độ hiệu quả của phương pháp này. Những thông tin trong bài viết sau sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn khách quan về tâm lý trị liệu. Mời bạn đọc tham khảo.
Tâm lý trị liệu là gì?
Tâm lý trị liệu là phương pháp mà nhà tâm lý thông qua cách thức giao tiếp để cải thiện tình trạng sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các vấn đề trong cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Đối với trầm cảm, tâm lý trị liệu được coi là “chìa khóa” tháo gỡ mà ở đó, chuyên gia giúp người bệnh vượt qua khó khăn, xác định các vấn đề tiêu cực xoay quanh cuộc sống. Từ đó, giúp họ nhận ra nguồn cơn và cách đối phó với cảm xúc thất thường. Chuyên gia tâm lý là “cầu nối” giúp người trầm cảm thoát khỏi vỏ bọc, cởi mở chia sẻ câu chuyện của bản thân. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp trị liệu tâm lý là giảm thiểu tối đa nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ do các loại thuốc điều trị trầm cảm gây ra. Thử nghiệm trên 400 người trầm cảm cho thấy, liệu pháp trò chuyện làm giảm nhanh các triệu chứng, giải tỏa nỗi sợ hãi, giúp người bệnh bắt nhịp với cuộc sống dễ dàng hơn so với uống thuốc.
Tác dụng của điều trị trầm cảm bằng tâm lý trị liệu
Trầm cảm khiến nhiều người rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi thái quá. Chính tâm lý bất ổn này sẽ khiến họ thêm khó khăn trong lựa chọn phương pháp điều trị trầm cảm. Đừng quá lo lắng, tâm lý trị liệu sẽ là “ánh sáng” dẫn bạn vượt qua trầm cảm nhờ vào các tác dụng:
- Giúp giảm bớt, giải tỏa căng thẳng.
- Đem đến cái nhìn mới trong mọi vấn đề cuộc sống.
- Giúp người trầm cảm chấp nhận sự thật dễ dàng hơn.
- Giảm thiểu nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc trầm cảm.
- Học cách mở lòng, chia sẻ về khó khăn của bản thân.
- Phát hiện và ngăn ngừa biến chứng trầm cảm qua từng giai đoạn.
- Ổn định tâm lý và tinh thần cho người bị trầm cảm.
Các dạng tâm lý trị liệu
Trị liệu tâm lý là phương pháp tác động đến tâm thần kinh nhằm cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Dưới đây là các dạng tâm lý trị liệu thường được chuyên gia tâm lý áp dụng:
Liệu pháp hành vi nhận thức
Đây là liệu pháp giúp bạn tập trung vào suy nghĩ và hành vi của chính mình, tìm ra cách đối phó với luồng cảm xúc tiêu cực. Tham gia các bài tập hàng ngày cùng chuyên gia sẽ hình thành cho bạn thái độ tích cực và sự tin tưởng vào hành động của bản thân. Nghiên cứu cho thấy, 75% người trải qua liệu pháp hành vi nhận thức có sự cải thiện triệu chứng trầm cảm đáng kể.
Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân
Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân tập trung vào mối quan hệ của người bị trầm cảm nhằm tìm kiếm những xung đột trong tâm lý của họ với mọi người. Mối quan hệ được đề cập bao gồm các loại kết nối giữa các cá nhân như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Liệu pháp này giúp người mắc trầm cảm dò xét các mối quan hệ thực tế, tự phát hiện ra những hành vi, cảm xúc tiêu cực và tìm cách thay đổi chúng.
Liệu pháp tâm động học
Đây là liệu pháp truyền thống liên quan tới việc đi đến gốc rễ tâm lý trầm cảm mà người bệnh đang gặp phải. Họ được tham gia vào cuộc tự kiểm tra và phản ánh trong quá khứ. Mục tiêu chính của khảo sát này là giúp xác định các mối quan hệ rắc rối trong cuộc sống và làm cho người bệnh hiểu trầm cảm đến từ đâu. Điều này giúp người mắc trầm cảm chỉ ra lý do cư xử của bản thân và loại bỏ cảm giác tội lỗi, dằn vặt để họ hướng tới cuộc sống tươi đẹp.
Liệu pháp phân tâm học
Là một hình thức của liệu pháp tâm lý dựa trên sự hiểu biết về quá trình tâm thần vô thức để xác định suy nghĩ, hành động và cảm xúc của một người. Liệu pháp này giúp xác định vấn đề tâm lý, thể chất mà người mắc trầm cảm có thể gặp phải. Thông thường, những người tìm đến trị liệu tâm lý luôn cảm thấy bất lực trước hành vi của bản thân. Do đó, mục đích của trị liệu phân tâm là giúp người trầm cảm hiểu rõ đâu là động cơ vô thức kiềm giữ không cho họ thay đổi.
Liệu pháp giải quyết vấn đề
Việc nói chuyện riêng với các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về chứng trầm cảm, từ đó xác định những yếu tố căng thẳng gây trầm cảm. Chuyên gia sẽ đưa ra các lời khuyên hữu ích, giúp bạn lên kế hoạch đối phó với bệnh, quản lý căng thẳng, duy trì tốt đẹp các mối quan hệ xung quanh và ngăn trầm cảm không trở nên tồi tệ.
Liệu pháp gia đình
Liệu pháp gia đình là cách tuyệt vời để người thân của bạn hiểu về trầm cảm và nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo. Gia đình là chỗ dựa vững chắc giúp người trầm cảm có thêm ý chí, nghị lực vượt qua “tâm bệnh”. Do đó, bạn hãy cởi mở chia sẻ về quá trình khó khăn khi sống chung với trầm cảm. Sự xuất hiện của chuyên gia tâm lý sẽ đưa câu chuyện vào đúng mạch, tạo nên bầu không khí gia đình ấm áp, chân thành. Đó là một không gian tuyệt vời để các thành viên thêm gắn bó và hiểu nhau hơn.