Stress - Chứng bệnh tâm lý ra đời trong xã hội hiện đại kéo theo nhiều nỗi lo sợ. Nhiều người tìm cách trốn tránh trước bóng đen căng thẳng bao trùm. Nhưng họ đâu biết rằng, những cảm xúc tiêu cực này sẽ âm thầm tàn phá cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Nếu bạn vô tình trở thành nạn nhân của stress, đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo có trong thông tin bài viết sau đây. Mời bạn đọc cùng tham khảo!

Stress là gì?

Stress là phản ứng của cơ thể khi đối diện với các tình huống bản thân thấy quá tải, có hại cho bản thân. Khi bị stress, người bệnh sẽ thấy căng thẳng, mệt mỏi, nhịp tim tăng nhanh, thở gấp, cơ thắt chặt và huyết áp tăng đột ngột. Người bệnh có thể cảm thấy căng thẳng khi bị áp lực công việc quá lớn, lúc dạy dỗ con trẻ hay đối phó với một mối quan hệ đầy thử thách. Một số căng thẳng có thể giúp bản thân người bệnh tốt lên, tuy nhiên, cũng có những căng thẳng khiến người bệnh mệt mỏi, lo âu, tạo ra rào cản trong cuộc sống.

Stress là phản ứng của cơ thể khi đối diện với các tình huống quá tải

Stress là phản ứng của cơ thể khi đối diện với các tình huống quá tải

Con đường dẫn đến stress

Stress là việc cơ thể phản ứng trước bất cứ một áp lực hay yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Hay nói cách khác, stress chính là khả năng đương đầu với các biến cố trong cuộc sống.

Yếu tố gây stress:

- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, bụi bẩn và sự ô nhiễm,…

- Những căng thẳng từ xã hội, gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè,…

- Các vấn đề về thể chất: Ốm đau, không có đủ chất dinh dưỡng,…

- Suy nghĩ của bạn: Cách chúng ta suy nghĩ và đối mặt với những điều đã hoặc sẽ có thể xảy ra đem đến cho bản thân nhiều căng thẳng, thường đó là những suy nghĩ tiêu cực.

Stress - Thủ phạm tàn phá hệ tiêu hóa nặng nề

Stress hay căng thẳng thần kinh không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, các mối quan hệ xung quanh mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe. Hệ tiêu hóa được kết nối mật thiết đến sức khỏe tinh thần, do đó stress có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh của đường tiêu hóa, lần lượt phá vỡ sự cân bằng vốn rất phức tạp của quá trình này.

Gây rối loạn hệ thần kinh

Trên thực tế, hệ thần kinh trung ương của cơ thể kiểm soát quá trình tiêu hóa. Nếu bạn quá căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ ngừng lưu thông máu và gây ra hiện tượng co cơ, khó tiêu.

Gây suy yếu hệ tiêu hóa

Khi bạn căng thẳng, cơ thể hoạt động theo chế độ chống lại hoặc bỏ chạy. Điều này khiến cho quá trình chuyển hóa của các bộ phận, đặc biệt là cơ quan tiêu hóa suy yếu, giảm lưu thông máu tới khắp cơ thể. Vì vậy, nếu bạn đối mặt với căng thẳng sẽ đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa kèm theo triệu chứng mệt mỏi, suy nhược.

 Ảnh hưởng tới nhu động ruột

Khi cơ thể căng thẳng kéo dài, các dưỡng chất ở lại trong hệ tiêu hóa sau khi ăn sẽ ngừng trao đổi. Theo cơ chế hoạt động, cơ thể nhận dưỡng chất trong quá trình này và phần còn lại sẽ trở thành chất thải. Do đó, nếu bạn ăn trong khi đang căng thẳng, quá trình tiêu hóa sẽ tạm thời ngừng hoạt động, gây ra hiện tượng táo bón, trướng bụng, đầy hơi và thậm chí béo phì.

Gây ợ nóng

Theo nghiên cứu y khoa, ợ nóng là rối loạn thường gặp, bởi khi bạn quá căng thẳng, cơ vòng ngăn giữa thực quản và dạ dày co lại. Do vậy, axit dạ dày tích tụ trong thực quản và gây ợ nóng. Đây là cách căng thẳng ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn.

Cản trở miễn dịch của đường ruột

Theo nghiên cứu, có khoảng 70% khả năng miễn dịch của cơ thể được lưu trữ trong ruột. Đây cũng là “ngôi nhà” chứa đồng thời vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Vi khuẩn tốt giúp cơ thể và não bộ hoạt động tốt. Khi bạn gặp căng thẳng, phản ứng hóa chất phá hủy các vi khuẩn tốt và khiến hệ miễn dịch của đường ruột trở nên suy yếu, nhạy cảm hơn bất kỳ lúc nào.

Làm gì để giảm tác hại của stress?

Trong một giới hạn, stress đem đến những mặt tích cực, giúp con người thêm mạnh mẽ, vững vàng trong cuộc sống. Nhưng khi vượt quá kiểm soát, stress sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Để giảm thiểu những tác hại mà stress gây ra, bạn nên chú ý các điều sau:

Suy nghĩ vui vẻ: Cố gắng sử dụng khiếu hài hước trong cuộc sống. Luôn mỉm cười dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Duy trì tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, giải tỏa cảm xúc tiêu cực thông qua các hoạt động thể chất.

Nhận ra và chấp nhận giới hạn: “Trèo cao, ngã đau”- Chính vì vậy, bạn hãy thiết lập những mục tiêu thực tế và tính đến cả các phương án rủi ro.

Duy trì chế độ ăn uống và giấc ngủ điều độ: Bạn hãy nhớ rằng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe, đủ tỉnh táo và mạnh mẽ trong giải quyết mọi vấn đề.

Học để lập kế hoạch: Sự sắp xếp thiếu khoa học có thể gây ra căng thẳng và tiêu tốn nhiều thời gian. Do đó, bạn hãy lên danh sách những việc cần làm và từng bước hoàn thành mục tiêu. Cảm giác hoàn thành công việc (dù là nhỏ) sẽ giúp tâm trạng bạn phấn chấn hơn.

Học thư giãn: Thư giãn là những bài tập sử dụng sức mạnh tập trung của tâm trí để thả lỏng cơ bắp và đưa cơ thể vào trạng thái tĩnh. Hãy tìm đến những bộ môn thư giãn như thiền, yoga,…