Y học cổ truyền gọi chứng suy nhược thần kinh là tâm căn suy nhược,một bệnh được miêu tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh: Uất chứng, Kinh quý, Chinh xung, Kiện vong, Thất miên, liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm. Dấu hiệu thường gặp của suy nhược thần kinh là mệt mỏi, nghi ngờ mình có bệnh, mất ngủ...
Suy nhược thần kinh (SNTK) là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não do tế bào não làm việc quá căng thẳng, sinh ra quá tải và suy nhược làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và nghĩ ngơi của cơ thể. Tùy theo cơ địa và môi trường sinh hoạt của mỗi người, SNTK có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau như mệt mõi dễ cáu gắt, nhức đầu, khó ngủ, đau gáy, hay hồi hộp, lo sợ, kém ăn, táo bón... SNTK kéo dài sẽ dẫn đến hư tổn cả khí lẫn huyết và làm giảm sức đề kháng của cơ thể, là nguồn gốc của mhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác, kể cả tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Suy nhược thần kinh là một bệnh rối loạn cơ năng hoạt động của thần kinh cao cấp, biểu hiện bằng các triệu chứng: nhức đầu, mất ngủ, tim đập mạnh, hay quên, đau lưng, hay cáu gắt, khả năng làm việc giảm sút, có kèm thêm các rối loạn thần kinh thật vật: di tinh, táo bón, liệt dương…Đông y không có các bệnh danh nhưng qua các triệu chứng của bệnh thì suy nhược thần kinh thường có trong các chứng đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ) của Đông y và cơ chế bệnh lý là do rối loạn ở 3 thể tạng: Tâm, Can, Thận (tim, gan, thận).
Ngoài các rối loạn của 3 tạng Tâm, Can, Thận gây ra suy nhược thần kinh, Đông y còn lưu ý một yếu tố khác là “sang chấn tinh thần” (stress) cũng làm thần kinh suy nhược. Đối với thể bệnh này phép trị lại là thái độ tinh thần trong cuộc sống (sống vui, thoải mái, lạc quan, yêu đời) phối hợp với sự hổ trợ của thầy thuốc bằng tâm lý liệu pháp.
Một số loại đồ ăn thức uống giúp giảm các triệu chứng của suy nhược thần kinh:
- Chè tươi: 100g lá chè tươi pha với 2 lít nước sôi. Uống cả ngày, không nên uống buổi tối vì sẽ gây mất ngủ.
Uống chè khi nóng để giải khát, kích thích tiêu hóa. Thêm vào 3 lát gừng tươi để làm ấm tỳ vị, ngừa bệnh tim mạch, làm hưng phấn thần kinh.
Chè còn làm thông tiểu nhờ chất cafein, theophyllin và muối kali.
Giải độc nhờ tanin và tăng cường sinh lực.
Trong chè tươi có nhiều chất chống oxy hóa, chống lão hóa.
- Cam: Cam là một loại thức uống rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin C…mỗi buổi sáng dùng 2 trái cam vắt lấy nước, hòa với 2 muỗng canh mật ong.
- Dứa (thơm, khóm): 1/4 trái thơm vào buổi trưa khi bụng còn hơi đói.
Thơm có tính giải khát sinh tân dịch và tiêu thực nhờ có bromelin là một enzym thủy phân protein mạnh, nên tiêu hóa được các thức ăn từ thịt, cá. Tác dụng của bromelin tương tự như papaine và pepsin. Ngoài công dụng tiêu thực tích, bromelin còn có tính tiêu viêm, giảm phù nề và làm tan máu bầm.
- Đu đủ chín: 1/4 trái đu đủ nhỏ vào buổi chiều khi bụng còn hơi đói
Có nhiều chất bổ dưỡng. Ngoài 80% là nước còn có 1% glucid, 0.6% protein và 0.1% lipid. Có các vitamin A, E, C…quả đu đủ chín còn có các chất carotenoide, chủ yếu lá cryptoxanthin 48%, carotenoid, beta-carotene 30% và cryptoflavine 13%, có tác dụng làm mát gan, nhuận trường, tiêu đờm, giải độc, tiêu thũng, an thần.
Về bài thuốc điển hình có bài Quy tỳ thang:
Quy Tỳ thang: Theo Đông y, “Tỳ chủ tứ chi và cơ nhục”, “Tỳ chủ hậu thiên”, ăn có được ngon miệng, cơm nước có được chuyển hóa thành tinh huyết, cơ bắp có săn chắc, tay chân có linh hoạt phần lớn dựa vào khí hóa của Tỳ vị. Hơn nữa “Tỳ thống huyết”, nếu khí huyết lưu thông điều hòa và kinh lạc được thông suốt thì cơ thể sẽ nhẹ nhàng, thoải mái (thống tất bất thông, thông tất bất thống). Do đó người xưa lập ra thang Quy Tỳ để chữa những trường hợp suy nghĩ, lao tâm quá độ làm tổn thương Tâm Tỳ dẫn đến kém ăn, khó ngủ, mộng mị, hay quên, thân thể nặng nề, mõi mệt, chân tay đau nhức. Được gọi là Quy Tỳ vì phương thang này có công dụng làm cho khí huyết rong rở trở về tạng Tỳ. Bài thuốc bao gồm Sâm Truật Kỳ Thảo để kiện Tỳ, liểm huyết, bổi bổ nguyên khí. Đương Quy dưỡng huyết, Mộc Hương lý khí. Ngoài ra Quy Tỳ còn bao gồm 4 vị Long Nhãn, Phục Thần, Viễn Chí, Táo Nhân để làm êm dịu thần kinh, điều bổ Tâm Tỳ. Bàn về chữa nội thương, sách Y Trung Quan Kiện của Hải Thượng Lãn Ông có viết “chứng uất do nội thương thất tình dùng bài Quy Tỳ là hay hơn hết”. Sau đây là nguyên thang gồm 10 vị của bài Quy Tỳ. Tùy theo cơ địa và những triệu chứng thực tế trên lâm sàng, người thầy thuốc sẽ gia giãm linh hoạt để thích ứng với từng trường hợp cụ thể.
Nhân Sâm 12gr Táo Nhân 8gr
Hoàng Kỳ 12gr Phục Thần 6gr
Đương Quy 12gr Viễn Chí 6gr
Bạch Truật 12gr Mộc Hương 4gr
Long Nhãn 8gr Cam Thảo 2gr
Thêm vào Đại Táo 3 quả, Gừng sống 3 lát. Đổ vào 3 chén nước, sắc còn 1 chén. Uống lúc thuốc còn ấm. Có thể đổ thêm 3 chén nước để sắc nước thứ hai.
SNTK là một bệnh do nội thương thất tình, do tình chí hoặc do căng thẳng tâm lý gây ra. Vì vậy việc người bệnh tự rèn luyện để kiểm soát cảm xúc và giữ thăng bằng tâm lý chính là giải pháp triệt để, là cách chữa tận gốc và ổn định nhất. Luôn có sự tương tác qua lại giữa thần kinh, trương lực cơ bắp và hoạt động nội tiết, nội tạng. Nếu thư giãn được cơ bắp hoặc giải tỏa được những cảm xúc khó chịu thì hệ thống thần kinh giao cảm sẽ được cân bằng, hoạt động nội tiết sẽ được điều hòa và chức năng khí hóa bình thường của các phủ, tạng sẽ dần dần được phục hồi. Do đó những phương pháp thư giãn, ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh đều là những biện pháp hiệu quả để chữa trị suy nhược thần kinh. Ngoài ra, một nếp sống điều độ, có tinh thần lạc quan, thường tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, theo đuổi một hay vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là những yếu tố giúp loại bỏ những cảm xúc âm tính và nâng cao những giá trị của cuộc sống.