Tổn thương các dây thần kinh thực vật gây ra sự mất cân bằng và rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu thế nào là hệ thần kinh thực vật, vị trí cấu tạo, chức năng, bệnh liên quan đến hệ thần kinh thực vật và biện pháp điều trị bệnh khi mắc phải. 

Tìm hiểu vị trí và cấu tạo hệ thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật là một phần của hệ thần kinh ngoại biên và chịu sự chi phối của vùng dưới đồi. Hệ thần kinh này có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động tự chủ của các cơ quan trong cơ thể mà không phụ thuộc vào não bộ như nhịp tim, huyết áp, tiêu hoá...

Về cấu tạo, hệ thần kinh thực vật gồm 2 bộ phận là hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Về vị trí và chức năng, 2 hệ này đối lập nhau. Phần lớn, cơ chế làm việc của 2 hệ này là kích thích (hệ giao cảm) và ức chế (hệ phó giao cảm) tạo thành một khối hệ thần kinh thực vật với chức năng vẹn toàn nhất. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ về chức năng của 2 hệ này.

Ví dụ, trong trường hợp điều hoà huyết áp, hệ thần kinh giao cảm làm tăng huyết áp thì hệ đối giao cảm sẽ giúp làm hạ huyết áp. Tuy nhiên, với trường hợp đối với hệ tiêu hoá, hệ thần kinh giao cảm lại làm giảm tiêu hoá thức ăn trong khi hệ phó giao cảm lại làm tăng hoạt động tiêu hoá thức ăn.

Như vậy, trong từng tình huống cụ thể, 2 hệ giao cảm và phó giao cảm của hệ thần kinh thực vật sẽ phối hợp hoạt động, cân bằng trạng thái của cơ thể. 

Cau-tao-cua-he-than-kinh-thuc-vat-gom-he-giao-cam-va-he-doi-giao-cam

Cấu tạo của hệ thần kinh thực vật gồm hệ giao cảm và hệ đối giao cảm

Nhiệm vụ, chức năng của thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh thực vật có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động sinh lý của các cơ quan một cách tự động. Các hoạt động này bao gồm: Nhịp tim, tiêu hoá, huyết áp, đại tiện, tiểu tiện, phản xạ đồng tử mắt, hoạt động sinh dục, cân bằng điện giải, chuyển hoá chất, nhiệt độ cơ thể, kiểm soát dịch tiết trong cơ thể (mồ hôi, huyết áp...), cân bằng cảm xúc.

Điểm đặc biệt nhất trong chức năng của hệ thần kinh thực vật chính là khả năng tự chủ của các cơ quan. Ví dụ, trong khi ngủ, hệ thần kinh thực vật vẫn hoạt động một cách tự động. Biểu hiện là khi ngủ, tim vẫn đập bình thường theo đúng chu kỳ, dạ dày vẫn co bóp tiêu hoá thức ăn, hệ thống hô hấp vẫn bình thường...

Thần kinh thực vật khi bị tổn thương biểu hiện như nào?

Tổn thương một phần dây thần kinh thực vật cũng có thể gây ra rối loạn một phần hoặc toàn bộ hệ thần kinh thực vật. Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng vốn có của hệ này. Cụ thể, người mắc bệnh thần kinh thực vật sẽ có thể gặp những biểu hiện triệu chứng điển hình sau:

  • Tụt huyết áp tư thế đứng, đôi khi có thể dẫn đến ngã hoặc đột quỵ.
  • Thường xuyên chóng mặt, choáng váng nhất là khi thay đổi tư thế.
  • Nhịp tim không thay đổi ngay cả khi tập thể dục. Khi đó não, cơ và một số vùng khác của cơ thể không đủ máu cung cấp do tim co bóp đẩy máu không đủ. Hậu quả người bệnh có thể mất khả năng tập thể dục.
  • Tuyến mồ hôi tiết bất thường, có lúc tiết nhiều có lúc lại gần như không tiết.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.
  • Đánh trống ngực, hồi hộp, lo âu.
  • Tiêu hóa kém, dễ no, ăn không ngon, đầy bụng, táo bón.
  • Tiểu không tự chủ.
  • Nam giới gặp tình trạng rối loạn cương dương, nữ giới gặp tình trạng khô âm đạo, khó đạt cực khoái.
  • Gặp phải một số vấn đề về thị lực như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.

Hinh-anh-mot-so-bieu-hien-khi-he-than-kinh-thuc-vat-bi-ton-thuong

Hình ảnh một số biểu hiện khi hệ thần kinh thực vật bị tổn thương

Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật với những nguyên nhân khác nhau có các triệu chứng bệnh khác nhau. Nó không phải một loại bệnh cụ thể, không gây tử vong mà ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động tự động trong cơ thể như nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim…

Điều trị rối loạn thần kinh thực vật hiệu quả nhất là điều trị triệt để từ nguyên nhân gây bệnh (ví dụ: Viêm não…). Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, cách điều trị phổ biến nhất là trị các triệu chứng biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật.

Các triệu chứng bệnh có thể được điều trị bằng cách cải thiện lối sống và điều trị bằng các thuốc. Cụ thể như sau:

Với triệu chứng hạ huyết áp tư thế đứng 

  • Có thể sử dụng thuốc Fludrocortisone theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thay đổi tư thế từ từ.
  • Ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, đủ muối trong chế độ ăn.
  • Giữ ấm chân để tụ máu nhiều ở bàn chân.
  • Kê cao gối khi nằm.

Với những người lo âu, khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ do rối loạn hệ thần kinh thực vật

  • Sử dụng các loại thuốc an thần như Seduxen, Barbiturat theo đơn của bác sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên, luôn giữ cho bản thân trạng thái thư giãn, thoải mái nhất.
  • Điều trị với các chuyên gia tâm lý.

Với dấu hiệu tiêu hóa kém, táo bón, tiêu chảy do bệnh thần kinh thực vật

  • Sử dụng men tiêu hóa (Biomin...), thuốc trị táo bón (Forlax…), Thuốc điều trị tiêu chảy (Berberin…).
  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Ăn uống lành mạnh, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa.

Với những trường hợp gặp rối loạn về huyết áp, nhịp tim, đánh trống ngực

  • Sử dụng các loại thuốc kiểm soát huyết áp, nhịp tim, đưa chúng về các chỉ số bình thường.
  • Có chế độ ăn uống phù hợp, kiểm soát lượng muối ăn vào, tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, chất béo.

Ngoài ra, trong một số trường hợp người bệnh bị tổn thương hệ thần kinh thực vật nặng nề, khó khăn trong việc đi lại, ăn uống, vận động cần phải có thêm những bài tập vật lý trị liệu cùng các chuyên gia. Các bài tập này sẽ giúp quá trình hồi phục bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể kết hợp với liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt…

Tác dụng tuyệt vời của hợp hoan bì đối với rối loạn hệ thần kinh thực vật

Hiện nay, khi tính an toàn, lành tính được quan tâm nhiều thì các loại thảo dược càng được ưa chuộng sử dụng. Nhiều loại thảo dược được nghiên cứu có tác dụng đẩy lùi rối loạn hệ thần kinh thực vật vì thế mà cũng được tìm kiếm và sử dụng nhiều hơn. Một trong số thảo dược đó không thể không nhắc đến hợp hoan bì.

Cho đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây tổn thương các dây thần kinh thực vật. Tuy nhiên đã có nhiều nguyên cứu cho rằng nguyên nhân cốt lõi của sự rối loạn này là do thiếu các chất dẫn truyền thần kinh serotonin cùng các chất dinh dưỡng của tế bào thần kinh não bộ. Do đó, việc bổ sung các chất trên cũng là một yếu tố giúp phục hồi và chữa lành nhanh rối loạn thần kinh thực vật.

Hợp hoan bì qua nhiều nghiên cứu đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh cho não bộ từ đó phục hồi và tăng cường khả năng hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Bạn cũng có thể kết hợp sử dụng hợp hoan bì với các thảo dược khác như viễn chí, ngũ vị tử… Sự kết hợp này sẽ giúp làm tăng hiệu quả điều trị tình trạng rối loạn thần kinh thực vật.

Hop-hoan-bi-Mot-thao-duoc-ua-chuong-trong-day-lui-roi-loan-than-kinh-thuc-vat

Hợp hoan bì - Một thảo dược ưa chuộng trong đẩy lùi rối loạn thần kinh thực vật

Hệ thần kinh thực vật chi phối nhiều hoạt động sinh lý tự động của cơ thể. Nếu hệ thần kinh này bị tổn thương sẽ để lại nhiều ảnh hưởng lớn cho cơ thể. Nắm chắc được những kiến thức về hệ thần kinh và những dấu hiệu rối loạn sẽ giúp bạn phòng tránh và điều trị bệnh một cách tốt nhất. Nếu còn điều gì thắc mắc, hãy để lại dưới bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn một cách nhanh chóng nhất. 

Tài liệu tham khảo:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/327450

https://www.medicalnewstoday.com/articles/anxiety-with-heart-palpitations