Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến và cũng có nhiều quan điểm xung quanh chứng bệnh này. Những quan điểm đúng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm về bệnh, trái lại những quan điểm không đúng sẽ gây khó khăn trong điều trị cũng như phòng ngừa tái phát. Bài viết sau sẽ chỉ ra những quan điểm không chính xác về chứng bệnh trầm cảm.

8 quan điểm sai lầm về chứng bệnh trầm cảm

Quan điểm 1: Những người bị trầm cảm đều có cảm giác buồn phiền

   Cảm giác buồn hoặc xuống tinh thần là biểu hiện khá phổ biến với bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không phải cứ bị trầm cảm là có cảm giác buồn phiền. Có người đơn giản chỉ là mất hứng thú trong hoạt động vui chơi hoặc khó tập trung, thói quen ăn uống ngủ nghỉ bị thay đổi. Một số người cảm thấy tội lỗi hay vô giá trị. Những người khác nghĩ về tự tử. Đàn ông có khuynh hướng cảm thấy khó chịu, tức giận, thất vọng hay mệt mỏi. 

Quan điểm 2: Bạn sẽ bị trầm cảm sau khi mất một người thân yêu

   Trầm cảm không phải là đau buồn. Đau buồn chỉ gây trầm cảm ở một số người. Đau buồn là cảm xúc đơn thuần và có thể giảm theo thời gian, thay vào đó là những kỷ niệm đẹp về người thân, không làm cho bạn cảm thấy thất vọng, hay vô giá trị. Còn trầm cảm là liên tục và lâu dài nếu không được chữa trị.

Quan điểm 3: Thuốc chống trầm cảm không có tác dụng

   Thuốc chống trầm cảm là loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị trầm cảm. Đa số bệnh nhân trầm cảm được điều trị với một loại thuốc trước khi tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với họ. Điều này không có nghĩa rằng những loại thuốc không có hiệu quả mà nó chỉ ra rằng tác dụng của thuốc với từng người bệnh là khác nhau. Một lý do khác giải thích quan điểm này là thuốc chống trầm cảm cần có thời gian dài để có thể phát huy tác dụng.

Quan điểm 4: Liệu pháp nói chuyện không có tác dụng điều trị trầm cảm

   Nhiều người cho rằng, chỉ dùng thuốc thôi là đủ cho điều trị trầm cảm và nói chuyện không giải quyết được vấn đề gì. Tuy nhiên, liệu pháp nói chuyện, được gọi là liệu pháp tâm lý hoặc tư vấn, cũng có hiệu quả, đặc biệt với trầm cảm nhẹ đến trung bình. Hơn nữa, liệu pháp nói chuyện thường được các bác sỹ kết hợp với dùng thuốc để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Quan điểm 5: Liệu pháp gây sốc là một điều trị nguy hiểm

   Liệu pháp sốc có vẻ đáng sợ, nhưng nó là một cách rất hiệu quả để điều trị trầm cảm nặng. Nó còn được gọi là liệu pháp điện (ECT), là các cú sốc điều trị, hoặc kích thích não. Khi thực hiện ECT bệnh nhân sẽ ngủ và sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì. ECT là một trong những cách nhanh nhất để điều trị trầm cảm nặng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm sự nhầm lẫn và mất trí nhớ, nhưng đây chỉ là những tác dụng phụ tạm thời và sau đó bệnh nhân sẽ hồi phục.

Quan điểm 6: Thuốc chống trầm cảm là không an toàn với người trẻ tuổi

   Theo thông tin từ nghiên cứu của thập kỉ trước cho rằng thuốc chống trầm cảm làm cho người trẻ nghĩ về tự tử. Nhưng các nghiên cứu sâu hơn đã tìm thấy rằng những lợi ích của thuốc chống trầm cảm nhiều hơn những rủi ro. Khi người trẻ dùng thuốc chống trầm cảm được theo dõi cẩn thận, nguy cơ tự tử là rất thấp. Tuy nhiên, trầm cảm nếu không được điều trị lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử trong giới trẻ.

Quan điểm 7: Trầm cảm là một biểu hiện bình thường của sự lão hóa

   Một số bệnh đôi khi đi kèm với tuổi tác. Trầm cảm không phải là một trong số chúng. Tuy trầm cảm cũng gặp ở người cao tuổi nhưng trầm cảm là vấn đề về thần kinh, não bộ chứ không phải do lão hóa. Nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi cũng như lứa tuổi khác. Hơn nữa, trầm cảm mới là tác nhân làm tiến triển nhanh quá trình lão hóa.

Quan điểm 8: Trầm cảm luôn được chữa khỏi hoàn toàn

   Phần lớn bệnh nhân trầm cảm sau khi điều trị đều khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên nhiều người sau một thời gian lại bị tái phát. Lý do phổ biến nhất là dừng điều trị vì vậy điều trị kiên trì và lâu dài là nguyên tắc quan trọng trong điều trị trầm cảm.