Đau đầu là tình trạng thường gặp ở nhiều người, mọi đối tượng, giới tính và độ tuổi. Đây có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý hoặc các yếu tố khác gây ra. Vậy nguyên nhân gây đau đầu là gì và cách điều trị hiệu quả như thế nào? Dưới đây là toàn bộ thông tin giúp bạn hiểu rõ về tình trạng bệnh lý này.

Thông tin tổng quát về bệnh đau đầu

Đau đầu là sự kết hợp các tín hiệu giữa não, mạch máu và dây thần kinh xung quanh. Khi bị tác động, những dây thần kinh trong mạch máu và cơ đầu sẽ thu nhận và gửi tín hiệu đau tới não. Tuy nhiên cho tới hiện nay, cơ chế kích hoạt quá trình này vẫn chưa được xác định cụ thể.

Đau đầu được xem là tình trạng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Theo thống kê từ trang web my.clevelandclinic.org, có tới 75% người trưởng thành trên toàn thế giới gặp phải tình trạng đau đầu trong 1 năm. 

Hầu hết cơn đau đều không quá nghiêm trọng và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên một số cơn đau đầu khác có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm đe dọa tới tính mạng nếu không được chăm sóc kịp thời. 

Theo thống kê từ các nhà khoa học, có hơn 150 loại đau đầu có thể xảy ra. Tuy nhiên chúng được phân thành 2 loại chính là:

Đau đầu nguyên phát: Là cơn đau không phải do bệnh lý khác gây ra mà xuất phát từ hoạt động quá mức của não hoặc các vấn đề từ dây thần kinh, chất hóa học trong não. Đau đầu nguyên phát thường bao gồm: Đau đầu cụm, đau nửa đầu, đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới, đau đầu do căng thẳng.

Đau đầu thứ phát: Là cơn đau gây ra bởi những bệnh lý khác, chẳng hạn như: Bệnh mạch máu não, chấn thương đầu, huyết áp cao, lạm dụng thuốc, nhiễm trùng, các khối u,... Bạn có thể gặp phải cơn đau đầu ở nhiều vị trí như đau đầu bên trái, đau đầu bên phải, đau đỉnh đầu.

Dau-dau-la-tinh-trang-pho-bien-va-co-the-gap-o-bat-cu-doi-tuong-nao

Đau đầu là tình trạng phổ biến và có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào

Nguyên nhân và triệu chứng đau đầu

Có rất nhiều loại đau đầu đã được phát hiện. Nắm rõ nguyên nhân và triệu chứng thường gặp của bệnh lý này sẽ giúp bạn có cách điều trị phù hợp. 

Nguyên nhân đau đầu

Những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu có thể kể đến như:

Các yếu tố thần kinh trong não bộ: Các phản ứng hóa học trong não, dây thần kinh, mạch máu quanh hộp sọ, cơ ở đầu và cổ,... hoạt động bất thường hoặc quá mức có thể dẫn tới sự xuất hiện của cơn đau đầu.

Bệnh lý tâm thần kinh: Những bệnh lý rối loạn tâm thần kinh như phiền muộn, lo lắng, stress, trầm cảm, mất ngủ, suy nhược não bộ, rối loạn giấc ngủ,... trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng đau đầu.

Thiếu hụt dinh dưỡng và serotonin: Các chất dinh dưỡng và chất dẫn truyền thần kinh serotonin có vai trò quan trọng. Chất dinh dưỡng giúp não bộ duy trì và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ thông thường như suy nghĩ, xử lý thông tin, truyền đạt thông tin. Còn serotonin là chất dẫn truyền thần kinh thiết yếu trong điều hòa tâm trạng, giấc ngủ, sự căng thẳng. 

Việc thiếu hụt chất dinh dưỡng và serotonin có thể dẫn tới sự hoạt động kém hiệu quả của não bộ và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, trong đó có đau đầu. 

Các nguyên nhân khác: Di truyền, căng mắt, căng cổ, lưng do sai tư thế, cảm cúm, chấn thương đầu, khói thuốc lá, mùi nước hoa, mùi hóa chất, chất dị ứng, các loại thực phẩm, tiếng ồn, ánh sáng, thay đổi thời tiết, lạm dụng rượu, bỏ bữa,... cũng có thể là yếu tố gây đau đầu.

Cam-cum-la-nguyen-nhan-gay-dau-dau-thuong-gap

Cảm cúm là nguyên nhân gây đau đầu thường gặp

Triệu chứng đau đầu thường gặp

Triệu chứng đau đầu rất đa dạng và tùy thuộc vào từng đối tượng, nguyên nhân và các loại đau đầu. Sau đây sẽ là một số biểu hiện điển hình bạn có thể gặp phải.

Đau đầu do căng thẳng: Là loại phổ biến nhất. Bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ ở cả 2 bên đầu với cường độ từ nhẹ đến trung bình. Cơn đau có thể nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động thường ngày như cúi người, đi bộ, chạy nhảy,... Tuy nhiên, bạn có thể giảm đau bằng các loại thuốc trị đau đầu không kê đơn.

Đau nửa đầu: Là loại đau đầu nguyên phát với tỷ lệ gặp phải cao thứ hai. Cơn đau nhói với cường độ đau từ trung bình đến đau dữ dội. Ngoài ra, bạn có thể gặp những triệu chứng đi kèm như đau đầu buồn nôn, nôn, khó chịu, đau bụng, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn hoặc các loại mùi. Cơn đau có thể kéo dài từ 4 giờ cho tới 3 ngày.

Đau đầu cụm: Là loại đau đầu nguyên phát nghiêm trọng nhất. Đau đầu cụm thường xảy ra với những triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội, bỏng rát hoặc đau nhói xuất hiện cố định ở phía sau một bên mắt hoặc trong vùng mắt.
  • Cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua hoặc liên tục với tần suất từ 1-8 lần/ngày và kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng. 
  • Cơn đau thường xảy ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, sau đó biến mất hoàn toàn (hoặc thuyên giảm) trong một thời gian. Tuy nhiên, cơn đau đầu có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Đau đầu dai dẳng hàng ngày thể mới (NDPH): Là loại đau đầu nguyên phát xảy ra đột ngột và kéo dài hơn 3 tháng. Chúng thường xảy ra ở những người ít khi bị đau đầu với các triệu chứng đau liên tục và kéo dài ở hai bên đầu với cường độ không suy giảm. Đặc biệt, bạn không thể điều trị cơn đau bằng thuốc.

Đau đầu do xoang: Là tình trạng đau đầu thứ phát gây ra bởi tình trạng viêm, nhiễm trùng xoang. Các triệu chứng của cơn đau do xoang thường bao gồm đau liên tục ở khu vực gò má và trán. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn thực hiện cử động đầu đột ngột hoặc căng thẳng cơ thể. Các triệu chứng đi kèm có thể là sốt, sưng mặt, sổ mũi, xuất hiện vị đắng trong miệng,...

Đau đầu do lạm dụng thuốc: Là tình trạng đau đầu thứ phát xảy ra nếu bạn thường xuyên dùng những loại thuốc giảm đau để điều trị cơn đau. Việc lạm dụng thuốc sẽ khiến tần suất đau đầu của bạn tăng lên, khiến số ngày bị đau nhiều hơn số ngày không đau. Cơn đau diễn ra thường xuyên và thường nghiêm trọng hơn vào buổi sáng.

Đau đầu ở trẻ em: Hầu hết trẻ em sẽ gặp phải các cơn đau đầu khi lên cấp 2. Khoảng 20% cơn đau đầu ở trẻ em là đau do căng thẳng, đau nửa đầu và có thể tái diễn liên tục. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn.

Cac-loai-dau-dau-thuong-gap

Các loại đau đầu thường gặp 

Đau đầu có nguy hiểm không?

Thông thường, cơn đau đầu chỉ gây khó chịu cho người mắc phải và không gây nguy hiểm tới tính mạng hay ảnh hưởng tới đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, một số cơn đau cần được can thiệp ngay lập tức, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Nếu bạn gặp một trong những triệu chứng dưới đây thì hãy tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay lập tức:

  • Đau đầu đột ngột, đau dữ dội.
  • Đau ở đầu đi kèm với các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, mất thăng bằng, tê - ngứa cơ thể, tê liệt, khó nói, rối loạn tâm thần, co giật, rối loạn thị giác.
  • Đau ở đầu kèm theo sốt, khó thở, phát ban.
  • Đau ở đầu kèm theo buồn nôn, nôn dữ dội.
  • Đau đầu xảy ra do tai nạn hoặc chấn thương ở đầu.
  • Đau đầu dai dẳng hằng ngày thể mới diễn ra sau 55 tuổi.
  • Đau đầu gây mất ngủ hoặc thức giấc vào ban đêm.

Ngoài ra, hãy thăm khám kịp thời để được chẩn đoán và chữa trị nếu bạn gặp phải các tình trạng đau đầu dưới đây:

  • Xuất hiện cơn đau ở đầu 3 lần trở lên mỗi tuần.
  • Cơn đau kéo dài không biến mất và trở nên trầm trọng hơn. 
  • Cơn đau xuất hiện mỗi khi ho, cúi người hoặc thực hiện hành động quá sức.
  • Cần 2-3 liều thuốc giảm đau không kê đơn và sử dụng hằng ngày để làm giảm triệu chứng đau ở đầu.
  • Có tiền sử đau đầu nhưng xuất hiện các triệu chứng mới và khác so với những cơn đau trước đây.

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​>>>XEM THÊM: [Cảnh báo] Đau đầu mất ngủ - Dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm

Dau-dau-nghiem-trong-va-keo-dai-co-the-la-bieu-hien-cua-benh-ly-nguy-hiem

Đau đầu nghiêm trọng và kéo dài có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm

Chẩn đoán và điều trị đau đầu

Chẩn đoán chính xác sẽ giúp bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị thích hợp và hiệu quả hơn. Cụ thể phương pháp chẩn đoán và điều trị đau đầu thường được sử dụng như sau.

Các phương pháp chẩn đoán đau đầu

Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán tình trạng đau đầu lần lượt bằng những phương pháp sau:

  • Chẩn đoán qua tiền sử bệnh và triệu chứng lâm sàng: Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh, các loại thuốc điều trị và triệu chứng lâm sàng hiện tại để chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu. Một số thông tin bạn cần cung cấp cho bác sĩ thường là: Mô tả cụ thể triệu chứng đau đầu, thời gian diễn ra cơn đau,...
  • Chẩn đoán thông qua xét nghiệm: Sau khi đánh giá tiền sử, bệnh sử, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và thực hiện những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh đau đầu. Các xét nghiệm này thường bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh CT scan hoặc MRI, điện não đồ,…

Chan-doan-thong-qua-trieu-chung-dau-dau-thuong-duoc-bac-si-ap-dung

Chẩn đoán thông qua triệu chứng đau đầu thường được bác sĩ áp dụng

Các phương pháp điều trị đau đầu

Phương pháp điều trị thường tùy thuộc vào nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này. Mục đích chung của những phương pháp này là giảm tình trạng đau và điều trị dứt điểm nguyên nhân gây đau đầu. Cụ thể, những phương pháp điều trị bao gồm:

Chế độ dinh dưỡng giúp giảm đau đầu

Đồ ăn và thức uống thông thường có thể ảnh hưởng tới cơn đau đầu. Một số thực phẩm giúp hạn chế và giảm triệu chứng của cơn đau. Trong khi đó, một số loại lại khởi phát hoặc khiến cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. 

Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng đau đầu thì cần chú ý vấn đề sau:

  • Bổ sung đủ nước, hoa quả, rau xanh, trà thảo mộc,... Những thực phẩm này chứa chất dinh dưỡng cần thiết giúp hỗ trợ điều trị, giảm đau đầu và ngăn ngừa cơn đau tái phát.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm có khả năng kích ứng hoặc khiến cơn đau tồi tệ hơn như: Đồ ăn cay nóng, rượu bia, chất kích thích,...

​​​​​​​​​​​​​​>>>XEM THÊM: 8 cách chữa đau đầu tại nhà hiệu quả cao nhất bạn nên biết!

Điều trị bằng cách kiểm soát căng thẳng

Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị tình trạng đau đầu do căng thẳng thần kinh như stress, trầm cảm, phiền muộn, lo âu,... Bạn có thể thử nghiệm những phương pháp giúp cơ thể và tinh thần thư giãn, bao gồm: 

  • Tập thể dục: Sẽ tạo ra chất endorphin có tác dụng giảm đau. Đồng thời hoạt động thể chất cũng giúp cải thiện giấc ngủ.
  • Mát-xa, thư giãn nhẹ nhàng: Tập luyện yoga, thái cực quyền, mát-xa kết hợp thư giãn, hít thở đều đặn giúp giảm căng thẳng ở vai, cổ, lưng, da đầu và những bộ phận khác trên cơ thể.
  • Cải thiện giấc ngủ: Bằng cách giảm những giấc ngủ ngắn ban ngày, tránh sử dụng đồ uống có cồn hoặc caffeine, các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Điều trị bằng liệu pháp phản hồi sinh học

Liệu pháp phản hồi sinh học sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng cơ thể bằng cách sử dụng tâm trí. Thông qua phương pháp này, bạn sẽ được học cách phản ứng và giải quyết tình trạng căng thẳng đang tích tụ. 

Các yếu tố thường được theo dõi và điều chỉnh bao gồm nhịp thở, nhịp tim, phản hồi về thần kinh, sự co cơ, thân nhiệt,... Như vậy, nếu xảy ra đau đầu, cơ thể bạn cũng sẽ tự động kiểm soát tình trạng này theo phản xạ đã được rèn luyện qua học tập.

Sử dụng thuốc trị đau đầu 

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen, naproxen,... để giảm tình trạng đau đầu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc để tránh việc xuất hiện tình trạng đau đầu hàng ngày kéo dài.

Nếu tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng các loại thuốc kê toa như promethazine, prochlorperazine, metoclopramide,... Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao, co giật và chống trầm cảm đôi khi cũng được sử dụng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Sử dụng thảo dược hỗ trợ điều trị

Kết hợp sử dụng thuốc với những sản phẩm hỗ trợ điều trị có nguồn gốc thảo dược sẽ giúp hạn chế triệu chứng cũng như ngăn ngừa tái phát cơn đau đầu. Bạn nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ hợp hoan bì, táo nhân, hồng táo, viễn chí,... Đây là những dược liệu có công dụng dưỡng tâm, an thần, làm dịu thần kinh, giúp cải thiện các triệu chứng đau đầu. Đồng thời, chúng cũng giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phục hồi chức năng thần kinh nhanh chóng hơn. Đặc biệt, nghiên cứu của Phòng Khoa học & Công nghệ Thành phố Thiệu Hưng, Trung Quốc đã nhận thấy hợp hoan bì đem lại tác dụng tăng cường sức khỏe thần kinh nhờ cơ chế kích thích não bộ tăng tiết serotonin.

Hop-hoan-bi-co-tac-dung-an-than-va-giam-trieu-chung-dau-dau

Hợp hoan bì có tác dụng an thần và giảm triệu chứng đau đầu

Phòng ngừa bệnh đau đầu

Phương pháp phòng ngừa bệnh đau đầu hiệu quả nhất chính là tránh xa các tác nhân gây nên tình trạng này. Tuy nhiên trước đó bạn cần xác định, đâu là nguyên nhân dẫn tới cơn đau. Những nguyên nhân này sẽ có sự khác biệt giữa từng người. Sau khi tìm ra nó, bạn cần hạn chế hoặc giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc với chúng.

Tuy nhiên, nếu bạn không xác định được nguyên nhân, hoặc không thể tránh khỏi các yếu tố này thì sao? Lúc này bạn cần thảo luận riêng với bác sĩ chuyên khoa để tìm giải pháp phù hợp nhất. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh đau đầu, những nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị những loại đau đầu thường gặp nhất. Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu hơn về bệnh lý này và có phương hướng xử lý kịp thời. Nếu còn thắc mắc nào liên quan tới bệnh lý này, hãy để lại bình luận dưới bài viết để được chuyên gia tư vấn kịp thời. 

Tài liệu tham khảo:

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9639-headaches

https://www.mayoclinic.org/symptoms/headache/basics/causes/sym-20050800

https://www.webmd.com/migraines-headaches/migraines-headaches-basics​​​​​​​