Mất ngủ là tình trạng phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Vậy khi bị mất ngủ thì uống thuốc gì? Khi nào thì chứng mất ngủ cần được điều trị? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về chứng mất ngủ, những loại thuốc thường được sử dụng cho những người bị mất ngủ. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị mất ngủ tây y dưới đây khi chưa được thăm khám trực tiếp bởi những loại thuốc này có rất nhiều tác dụng không mong muốn.

Nguyên nhân gây mất ngủ là gì?

Mất ngủ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, việc xác định được nguyên nhân gây mất ngủ sẽ tạo điều kiện cho bác sĩ và người bệnh có hướng xử trí đúng cách và hiệu quả.

- Yếu tố cơ địa: Những yếu tố do cơ địa như chu kỳ thức ngủ cơ bản của mỗi người, nhịp sinh học, khả năng thích nghi, tuổi tác, tính cách.

- Yếu tố thúc đẩy: Các bệnh lý nội khoa hay thần kinh, dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính, sử dụng thuốc ngừa thai, các yếu tố tâm lý, tâm thần, hoàn cảnh, môi trường, trong thai kỳ,…

- Yếu tố duy trì: vệ sinh giấc ngủ kém, lo âu, lạm dụng thuốc.

Khi nào thì cần điều trị mất ngủ?

Để chẩn đoán mất ngủ phải căn cứ vào thời gian ngủ cũng như chất lượng giấc ngủ từ đó mới đưa ra kết luận có cần điều trị hay không. Mất ngủ thường được chia làm 3 loại:

- Mất ngủ thoáng qua (tạm thờì): Thường chỉ xảy ra trong vài ngày, do căng thẳng, stress cấp tính hoặc do thay đổi môi trường,…

- Mất ngủ ngắn hạn: Thường xảy ra dưới 4 tuần do những sang chấn về tâm lý hoặc do thay đổi hoàn cảnh nặng nề, sự mất mát đột ngột, nhưng tình trạng mất ngủ sẽ sớm cải thiện sau khi sự việc đã qua.

- Mất ngủ mạn tính: Thường kéo dài trên 4 tuần và có các yếu tố thúc đẩy gồm các bệnh thực thể như: Trào ngược dạ dày thực quản, dùng thuốc chống trầm cảm, bệnh xương khớp, kích thích hệ thần kinh trung ương, glucocorticoid… Người nghiện bia, rượu, thuốc lá, caffeine cũng dễ bị mất ngủ mạn tính.

Trong 3 loại mất ngủ này, mất ngủ thoáng qua và mất ngủ ngắn hạn hoàn toàn có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, lối sống. Đối với các trường hợp mất ngủ mạn tính thì cần phải điều trị bằng thuốc, tùy thuộc vào tình trạng mất ngủ ở mỗi người là khác nhau mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và liều dùng phù hợp cho từng trường hợp.

Bị mất ngủ uống thuốc gì?

Khi bị mất ngủ uống thuốc gì là câu hỏi mà rất nhiều người đang bị chứng mất ngủ “quấy rầy” thường hay thắc mắc. Các loại thuốc điều trị mất ngủ có rất nhiều nhưng không thể tự ý sử dụng khi chưa có sự thăm khám trực tiếp của bác sĩ. Các loại điều trị mất ngủ đa phần đều để lại nhiều tác dụng không mong muốn, bởi vậy trước khi đưa ra phác đồ điều trị mất ngủ, bác sĩ cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ từ đó mới có hướng điều trị cụ thể. Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng khi bị mất ngủ:

- Thuốc giảm lo âu, gây ngủ: Zolpidem, nhóm benzodiazepin: Diazepam, flurazepam, estazolam, tetrazepam, triazolam, quazepam,…

- Thuốc chống trầm cảm có tác dụng gây ngủ: Amitriptyline, Mirtazapine,…

- Thuốc chống loạn thần tác dụng gây ngủ: Chlorpromazine, Haloperidol, Olanzapine,…

- Thuốc điều chỉnh khí sắc có tác dụng gây ngủ: Carbamazepine, Gabapentin, Oxcarbazepin: 150mg - 2400mg/ngày x 7-10 ngày.

- Thuốc tăng cường tuần hoàn não: Piracetam, Cavinton,…

Ngoài sử dụng thuốc điều trị, để nâng cao hiệu quả điều trị mất ngủ, các bác sĩ sẽ phối hợp với các cách chữa mất ngủ không dùng thuốc như liệu pháp nhận thức hành vi và các sản phẩm từ thảo dược. Các liệu pháp nhận thức hành vi thường được sử dụng trong điều trị giấc ngủ như: kiểm soát các kích thích, hướng dẫn cách thư giãn, vệ sinh giấc ngủ: phòng ngủ yên tĩnh, an toàn, tránh ánh sáng, tránh tiếng ồn,…