Thực hư: Thuốc ngủ gây xáo trộn trí nhớ ác mộng liên tục
Chào bạn Kim Anh! Để dễ dàng đi vào giấc ngủ, nhiều người đã tìm đến thuốc ngủ như một giải pháp đặc hiệu. Nguy hiểm là nhiều người bệnh tự ý mua thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn.
Đa số các loại thuốc ngủ đều có tác dụng thông qua những chất dẫn truyền thần kinh điều hòa giấc ngủ, từ đó tạo ra cảm giác buồn ngủ và duy trì giấc ngủ tạm thời. Lưu ý rằng, do tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên các thuốc điều trị mất ngủ cũng có thể gây ra những tác dụng phụ bất lợi như: Buồn ngủ vào ban ngày, giảm tỉnh táo, khó tập trung, giảm khả năng phán đoán, cản trở các kỹ năng vận động, đặc biệt ở người cao tuổi.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các dẫn xuất benzodiazepin còn có thể gây lú lẫn, giảm trí nhớ, gây ảo giác, loạn thần,… Các thuốc chống trầm cảm, kháng histamin H1 có thể gây khô miệng, bí tiểu, hạ huyết áp thế đứng, ảnh hưởng đến nhịp tim… Đặc biệt, các loại thuốc ngủ dẫn xuất benzodiazepin và barbiturat còn có nguy cơ gây nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc nếu dùng kéo dài. Khi dừng thuốc đột ngột sẽ khiến người bệnh gặp phải các biểu hiện mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, run chân tay… thậm chí là biến dạng tri giác, ảo tưởng cho người bệnh.
Thống kê cho thấy, có tới 50% những người tự mua thuốc ngủ gặp phải tác dụng phụ như: Buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn hoặc hay quên,... Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân khi tự ý sử dụng thuốc ngủ không đem lại hiệu quả. Nguyên nhân là do dùng không đúng thuốc, không đúng liều lượng và thời điểm… Bởi việc uống thuốc gì, thời gian dùng thuốc bao lâu, cách giảm dần thuốc như thế nào để không gây mất ngủ trở lại cần phải có ý kiến chuyên môn của bác sĩ.