Giải đáp: Thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không?
Chào bạn Tùng Lâm! Trầm cảm là một bệnh mạn tính, do đó điều trị trầm cảm là một quá trình lâu dài, ít nhất trong 1-2 năm và đòi hỏi phải uống thuốc liên tục để tránh tái phát, thậm chí có những bệnh nhân phải dùng thuốc cả đời. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm, người bệnh cần lưu ý các tác dụng phụ để kịp thời thông báo với bác sĩ và đưa ra phương án xử trí.
Để đạt hiệu quả cao trong điều trị trầm cảm, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh phối hợp 2 nhóm thuốc trầm cảm với các loại thuốc có tác dụng chống rối loạn lo âu, loạn thần. Dưới đây là những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm.
- Nhóm SSRI (gồm các thuốc như: Sertraline, paroxetine, fluoxetine, citalopram,...).
- Nhóm SNRI (gồm các thuốc như: Venlafaxine, duloxetine, desvenlafaxine,...).
- Nhóm TCA (gồm các thuốc như: Imipramine, doxepin, desipramine, amitriptyline,...).
- Nhóm MAOI (gồm các thuốc như: Isocarboxazid, phenelzine, tranylcypromine,...).
- Nhóm Atypical antidepressants (gồm các thuốc như: Trazodone, mirtazapin, bupropion, ...).
Tùng Lâm thân mến! Các thuốc chống trầm cảm không gây nghiện hay lệ thuộc thuốc. Tuy nhiên, vì bản chất của trầm cảm là bệnh mạn tính, dễ tái phát, nên nếu ngưng thuốc không đúng cách hay ngưng thuốc đột ngột, các triệu chứng sẽ quay lại rất nhanh, thậm chí còn nặng hơn trước.