Chuyên gia trả lời:
Chào bạn Nguyễn Bảo! Thiếu ngủ xảy ra khi một người không thể ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ cần thiết tùy thuộc vào từng cá nhân và thay đổi theo độ tuổi. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để giải đáp lý do tại sao thiếu ngủ gây đau đầu, hãy đến với nội dung sau:
Tại sao thiếu ngủ gây đau đầu?
Năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Missouri đã công bố một nghiên cứu cho thấy, thiếu giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) có liên quan đến những cơn đau đầu dữ dội hơn. Trong giấc ngủ REM:
- Não sẽ hoạt động tích cực hơn.
- Cơ thể thả lỏng và bất hoạt.
- Các giấc mơ xuất hiện.
- Mắt chuyển động nhanh.
Cũng theo nghiên cứu này, thiếu ngủ làm tăng quá trình tạo protein trong cơ thể, gây nên chứng đau mạn tính. Các protein này có thể làm giảm ngưỡng cơ thể khi trải qua cơn đau và gây ra chứng đau nửa đầu dữ dội.
Thiếu ngủ khiến hệ thần kinh hoạt động liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi. Thêm vào đó, việc thiếu ngủ dẫn đến sự bất ổn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh và gây nên những cơn đau đầu. Cơn đau có thể lan rộng đến nhiều vùng như: Hốc mắt, đau sau đầu, đỉnh đầu, thái dương,…
Thiếu ngủ gây đau đầu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân thiếu máu lên não khiến các hoạt động tại đây giảm sút rõ rệt. Bên cạnh đó, thiếu ngủ không chỉ gây đau đầu mà còn khiến khối lượng não giảm 20% so với người bình thường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương chi phối các hoạt động, ngôn ngữ, gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ.
3 bí quyết phục hồi giấc ngủ
Nguyễn Bảo thân mến! Giấc ngủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với con người. Việc thiếu ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, làm não bộ luôn trong trạng thái căng thẳng vì không kịp phục hồi, dẫn đến đau đầu, khó tập trung, suy giảm trí nhớ. Để khắc phục tình trạng trên, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Nghỉ ngơi hợp lý: Nên có một thời gian biểu cụ thể cho từng ngày, trong đó thời gian đi ngủ và thức dậy mỗi ngày như nhau để cơ thể quen với khung giờ đó. Sắp xếp thời gian khoa học để có thể ngủ đủ 7 - 8 tiếng một ngày.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Một chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp nguồn năng lượng giàu có cho cơ thể, tăng cường sức khỏe và hạn chế sụt cân nhanh bởi thiếu ngủ kéo dài.
- Tập thể dục thường xuyên: Đây là biện pháp rất hữu hiệu trong việc điều trị trầm cảm, giúp cải thiện giấc ngủ. Quá trình vận động sẽ giải phóng các yếu tố gây căng thẳng, rối loạn cảm xúc ra khỏi tâm trí giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ dàng đi vào giấc ngủ, tạo cảm giác dễ chịu. Bên cạnh đó, tập thể dục giúp hệ thống mạch máu lưu thông tốt, đưa máu lên não kịp thời để khắc phục tắc nghẽn mạch máu khi bị mất ngủ kéo dài.