Chào bác sĩ. Em là nữ, năm nay 30 tuổi. Nghề nghiệp là nhân viên văn phòng, công việc cũng áp lực. Đã 3 tháng nay em rất khó ngủ vào buổi trưa, thường không ngủ được dù đã rất cố gắng bố trí thời gian, không gian yên tĩnh để nghỉ trưa. Vì không ngủ được nên chiều hay bị đau đầu, làm việc hiệu quả không cao. Ban đêm nếu quá giấc ngủ cũng rất khó ngủ lại. Em còn cảm thấy rất mệt mỏi, chán nản, đôi khi còn thấy đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, tâm lý rối loạn. Em không thấy đau nhức hay bất thường gì ở các cơ quan khác. Em không uống trà hay cà phê. Không biết có phải do áp lực công việc làm em mất ngủ không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!
Trả lời:

Chào bạn!

   Giấc ngủ là rất quan trọng và cần thiết cho mỗi người. Giấc ngủ trưa giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi để tiếp tục công việc cho nửa ngày còn lại. Thời gian hợp lý cho giấc ngủ trưa là khoảng 30 phút. Ngủ trưa nhiều cũng khiến bạn mệt mỏi, choáng váng khi thức dậy. Nếu không ngủ trưa được dù đã cố bằng mọi cách bạn có thể tự thư giãn như nghe một bản nhạc nhẹ, hay ngả lưng để thư giãn. Bạn cần bố trí đủ giấc ngủ buổi tối, bởi tối mới là thời gian cần thiết để ngủ.

   Những biểu hiện như mất ngủ, khó ngủ hay rối loạn giấc ngủ, kèm mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, hồi hộp, tâm lý rối loạn nếu kéo dài từ ba tháng trở lên có thể được chẩn đoán là suy nhược thần kinh. Nghề nghiệp của bạn là một nhân viên văn phòng, phải tiếp xúc nhiều với máy tính, lại ít được vận động và gặp nhiều áp lực trong công việc. Đó là những yếu tố nguy cơ gây chứng suy nhược thần kinh mà hậu quả trực tiếp là gây tình trạng rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, đau đầu… ở bạn. Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não do tế bào não làm việc quá căng thẳng, sinh ra quá tải và suy nhược làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và nghỉ ngơi của cơ thể.

   Một số triệu chứng thường gặp:

    - Mệt mỏi không rõ nguyên nhân mà nghỉ ngơi cũng khó hồi phục

     - Trạng thái tinh thần: khả năng tự kìm chế yếu, dễ bị kích động

     - Đau đầu cơ năng, trí nhớ giảm

     - Rối loạn giấc ngủ

Triệu chứng khác: tim đập nhanh, hồi hộp, táo bón, đại tiện lỏng, rối loạn kinh nguyệt,…

   Để khắc phục các triệu chứng hiện tại bạn cần tạo cho mình cảm giác thư giãn, ăn uống, tập luyện thể thao hợp lý để giải tỏa căng thẳng, stress. Các thuốc điều trị suy nhược thần kinh gồm các thuốc an thần, gây ngủ, tăng tuần hoàn não, thuốc giảm đau, thuốc bổ (vitamin PP, vitamin A, E,…), việc dùng thuốc phải được sự hướng dẫn từ bác sỹ điều trị trực tiếp.