Chào bác sỹ, cháu năm nay 25 tuổi. Vừa qua do công việc và tình cảm xảy ra mâu thuẫn nên cháu bị cú sốc tâm lý nặng nề. Dù xảy ra một thời gian dài và mọi chuyện chưa qua hết nhưng đã nguôi ngoai phần nào. Bây giờ nó để lại trong tâm trí cháu một hình tượng không đẹp về người yêu và tất cả mọi chuyện. Mặc dù cố gắng vượt qua, nhưng thực sự cháu cứ bị ám ảnh. Thỉnh thoảng cháu thấy vui vẻ nhưng được vậy rất ít, cháu lại cô đơn, buồn chán, không thiết làm việc gì, đêm mất ngủ, rất khó ngủ lại, người lúc nào cũng khó chịu, tim đập nhanh. Đôi lúc cháu nghĩ đến cái chết để giải thoát. Cháu sợ lắm. Có phải cháu bị trầm cảm không và ở mức độ nào? Cháu không biết nên khám và điều trị ra sao, mong bác sỹ giúp đỡ ạ!
Trả lời:

Chào Bạn,

Các biểu hiện như cảm giác buồn phiền, mất ý chí (không thiết làm việc gì), nghiền ngẫm (suy nghĩ lặp đi lặp lại về những chuyện đã xảy ra), mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, cảm giác lo âu (bứt rứt, khó chịu, tim đập nhanh) mà bạn hiện có gợi ý một tình trạng trầm cảm lo âu mức độ trung bình (dù bạn không nêu chính xác thời gian bao lâu, nhưng dựa vào thông tin ‘một thời gian dài’ và mức độ lo lắng quan tâm tìm hiểu về biểu hiện bệnh cho thấy tình trạng này hẳn không phải mới xuất hiện trong thời gian ngắn). Bạn cũng đã có ý nghĩ từ tử, đây là một biểu hiện cho thấy trầm cảm không còn ở mức độ nhẹ nữa, người bệnh không thể tự điều chỉnh mà cần can thiệp điều trị từ bác sỹ.

Để điều trị tình trạng trầm cảm lo âu này, cần phối hợp điều trị thuốc và trị liệu tâm lý. Trong đó việc lựa chọn thuốc tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của bạn, thêm vào đó là khả năng dung nạp cũng như mức độ đáp ứng của bạn đối với điều trị. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả bạn và bác sĩ điều trị, thời gian điều trị phải đủ lâu để duy trì tình trạng ổn định cần thiết trước khi đi đến quyết định giảm và ngưng thuốc. Bạn cũng cần chia sẻ với người thân bởi có sự giúp đỡ từ người thân sẽ giúp ích cho việc điều trị của bạn.

Lưu ý rằng, bệnh lý trầm cảm nói riêng, bệnh lý tâm thần nói chung có tính chất mạn tính, hay tái phát bởi nó phụ thuộc rất nhiều và tâm lý người bệnh. Tỷ lệ tái phát tăng dần theo số lần tái phát, theo đó mức độ đáp ứng với điều trị cũng dao động theo hướng bất lợi. Mục tiêu trong điều trị trầm cảm nhằm giúp cải thiện tình trạng bệnh hoặc ổn định bệnh càng sớm càng tốt, khi đó có thể duy trì các chức năng xã hội cho người bệnh và tiến tới hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, tuy nhiên việc dùng thuốc tây y thường gây ra tác dụng không mong muốn, khiến bản thân bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nên cả bệnh nhân và gia đình đều không tuân thủ, bỏ điều trị. Chính vì vậy càng làm cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.

Thực tế, Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý nặng nhưng không phải không có phương pháp điều trị triệt để, vì vậy, bản thân người bệnh cũng như gia đình cần kiên trì điều trị, thay đổi nhiều phương pháp nếu cần thiết để tìm ra một phương pháp phù hợp nhất cho người bệnh. Do đó, giải pháp tối ưu là bạn nên đi khám sớm nhất có thể để mau chóng ổn định bệnh.

Bản thân người bệnh dù là đã được điều trị hay trong quá trình điều trị cũng cần tạo cho bản thân một lối sống khoa học, lành mạnh như ăn ngủ nghỉ điều độ, thư giãn đầu óc, tập luyện thể dục thể thao, tập yoga, thiền định hoặc dưỡng sinh, giao lưu trò truyện với bạn bè, xã hội cũng giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm, giúp việc điều trị thuận lợi hơn cũng như phòng ngừa trầm cảm tái phát.