Chào bác sỹ, cháu năm nay 20 tuổi, cháu thường không muốn nói chuyện với những người xung quanh, thích ở một mình, hay tự ti về bản thân, hay khóc, hay tủi thân khi người khác nói những điều không hay về mình, cảm giác chẳng có ai quan tâm đến mình, có lúc muốn làm đau bản thân, đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Cháu thấy mệt mỏi, hay mất ngủ, đau đầu. Cháu rất chán nản với tình trạng của mình và đã lên mạng đọc, thấy các triệu chứng của cháu giống trầm cảm lắm ạ. Cháu càng lo lắng và buồn chán hơn, cháu nên làm gì thưa bác sỹ?
Trả lời:

Chào cháu!

Những biểu hiện của cháu đã xuất hiện bao lâu rồi? Nếu kéo dài từ hai tuần trở lên thì đúng là các dấu hiệu của trầm cảm. Các dấu hiệu của trầm cảm ở cháu xuất hiện cũng khá nhiều. Các biểu hiện chính của trầm cảm để cháu có thể đối chiếu với bản thân gồm:

- Mất niềm vui và hứng thú trong các hoạt động kể cả những hoạt động yêu thích trước đây.

- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

- Thường mệt mỏi và rối loạn ăn uống. Tăng cân hoặc sụt cân nhanh trong một khoảng thời gian ngắn.

- Luôn bi quan, tự ti về bản thân. Luôn cảm thấy bản thân tội lỗi và nghĩ tới những điều tiêu cực.

- Cảm giác chán nản, tội lỗi luôn đeo bám. Suy nghĩ về tự tử.

Cháu cần chia sẻ với gia đình để được đưa đi khám, bác sỹ sẽ kiểm tra và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như mức độ trầm cảm, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho cháu.  

Hướng điều trị thường dùng hiện nay vẫn là thuốc tây. Bên cạnh những loại thuốc điều trị, điều trị bằng tâm lý trị liệu cũng được sử dụng. Một số phương pháp khác như châm cứu, tập yoga, thiền định… kết hợp với chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp cho cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, thư giãn, đi chơi hoặc nói chuyện với bạn bè, chia sẻ cảm xúc với người thân, tập luyện thể thao nhẹ nhàng cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh.