Chào bác sỹ! Bà em năm nay 65 tuổi, thường xuyên ngủ không ngon giấc, mà một ngày chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng, buổi trưa nằm cũng không ngủ được. Đã gần một năm rồi, tình trạng này khiến bà rất mệt và uể oải khi thức dậy, khiến sức khỏe bà em yếu dần, không biết bà em cần được điều trị thế nào?
Trả lời:

Chào bạn!

Theo như thông tin của bạn thì bà bạn ngủ không ngon giấc, thời gian ngủ ít, mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng. Ở tuổi của bà bạn thì ngủ 2 tiếng là khá ít. Tuy nhiên nếu ngủ 2 tiếng mà có giấc ngủ sâu, không bị ảnh hưởng do thiếu ngủ, người vẫn tỉnh táo thì cũng không đáng ngại, nhưng giấc ngủ của bà bạn lại không sâu và bà cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy, thì có thể đang mắc chứng rối loạn giấc ngủ, mà cụ thể là mất ngủ.

Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, đối với người cao tuổi các yếu tố đó thường bao gồm: Thay đổi nhịp sinh học, ít vận động thể lực, do cơ thể bị lão hóa nên khó phục hồi các chức năng bình thường của cơ quan, do hay suy nghĩ và các bệnh lý mạn tính (sa sút trí tuệ, trầm cảm, thiểu năng tuần hoàn máu, rối loạn tiền đình, tim mạch, đau xương khớp, viêm nhiễm đường hô hấp, thoái hóa xương khớp, tiểu đường,...) trong đó bệnh trầm cảm là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi, có đến 30% người cao tuổi có triệu chứng này. Trầm cảm làm người cao tuổi hay lo lắng thái quá về tương lai, suy nghĩ về quá khứ, làm họ khó đi vào giấc ngủ và hay bị thức giấc sớm.

Một trong những nguyên nhân cũng phổ biến không kém đó là do việc sử dụng dược phẩm. Người già thường phải kèm theo nhiều bệnh mạn tính vì vậy họ phải sử dụng rất nhiều các loại thuốc khác nhau. Các thuốc corticoid, nội tiết tố tuyến giáp, hạ huyết áp,… gây tác dụng phụ lên dạ dày, làm đau dạ dày và dễ gây mất ngủ. Hoặc một số loại thuốc trầm cảm làm người già bị đảo lộn nhịp sinh học, họ thường buồn ngủ vào ban ngày và bị mất ngủ vào ban đêm....

Việc điều trị cũng không quá khó nhưng cần thời gian và bà phải kiên trì. Trước tiên, bà bạn có thể tự điều chỉnh tình trạng này bằng cách đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định nhằm tạo thói quen giấc ngủ cho cơ thể. Trước khi đi ngủ có thể vận động nhẹ nhàng như đi dạo bộ, uống một ly sữa nóng. Khi đi ngủ thì không nên nghĩ về những chuyện căng thẳng hay các vấn đề còn trăn trở, nên tạo sự thoải mái cho tư tưởng... Ăn uống đủ chất cũng là một cách nâng cao thể trạng, giúp người khỏe khoắn và ngủ ngon hơn, lưu ý là không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói khi đi ngủ, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tăng cường luyện tập thể dục, chỉ khoảng 30 phút mỗi ngày để khí huyết lưu thông. Nên vệ sinh nơi ngủ sạch sẽ, tránh những tác nhân gây dị ứng, phòng ngủ hạn chế ánh sáng và tốt nhất là yên tĩnh. Các biện pháp điều trị cho người cao tuổi tốt nhất là các liệu pháp vật lý, không lạm dụng các thuốc tân dược có tác dụng an thần gây ngủ, đặc biệt là các trường hợp mất ngủ do các yếu tố tâm lý. Người cao tuổi nên điều trị triệt để các bệnh lý đi kèm, tập thể dục đều đặn, không ngủ ban ngày, ngồi thiền, tập yoga, không suy nghĩ nhiều, tránh sử dụng các chất kích thích,…